THƯ NGỎ
Sự phát triển của nền kinh tế số – kinh tế tri thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và toàn cầu hoá đặt ra yêu cầu phải phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bồi dưỡng nhân tài đặc biệt là các ngành kỹ thuật công nghệ để đưa Việt Nam tăng tốc, bứt phá đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Với sứ mệnh và trách nhiệm của đại học hàng đầu đất nước, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo đặc thù theo hướng cá thể hoá nhằm ươm tạo các tài năng khoa học trẻ đạt chuẩn quốc tế, góp phần hình thành đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành (vốn hẫng hụt và sụt giảm thời gian qua) để dẫn dắt sự phát triển khoa học công nghệ quốc gia, đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước.
Để hiện thực hoá mục tiêu này trong xu hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ĐHQGHN thành lập Quỹ phát triển ĐHQGHN (VNU – Foundation) nhằm mục đích hỗ trợ sinh viên, giảng viên của ĐHQGHN trong công tác học tập, nghiên cứu và phát triển cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho việc đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế.
Chính vì vậy, ĐHQGHN mong muốn nhận được sự ủng hộ, quan tâm và tài trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Sự tài trợ này là những đóng góp thiết thực, có tính chiến lược của cho sự phát triển lâu dài, bền vững của nền giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ quốc gia.
ĐHQGHN kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của quý vị cho ĐHQGHN thông qua VNU-Foundation để có điều kiện tăng cường hơn nữa cả về quy mô và chất lượng cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở vật chất và những hoạt động liên quan khác đảm bảo phát triển ĐHQGHN nói riêng và giáo dục nước nhà nói chung. VNU – Foundation cam kết là nơi truyền tải trách nhiệm xã hội tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân có tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Được thành lập theo quyết định số 3737/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 của UBND Thành phố Hà Nội, VNU – Foundation là đơn vị hoạt động theo mô hình Quỹ giáo dục của đại học, là một định chế, giải pháp tài chính mới, nhiều tiềm năng giúp ĐHQGHN vận động và tiếp nhận sự góp sức của xã hội, cộng đồng vào sự nghiệp trồng người.
VNU – Foundation hoạt động theo nguyên tắc tự tạo vốn, trên cơ sở vận động tài trợ, vận động quyên góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, tài trợ, khuyến khích phát triển các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, thể thao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm và xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội; VNU-Foundation tự trang trải chi phí cho hoạt động và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động tài chính của mình trước pháp luật và trước ĐHQGHN; VNU – Foundation có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại các Ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
VNU – Foundation thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh tạo vốn đồng thời huy động sự đóng góp từ xã hội nhằm triển khai các hoạt động trong nhiều lĩnh vực bao gồm: Hỗ trợ đào tạo, ươm tạo công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên đặc biệt là học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ cho cán bộ viên chức của ĐHQGHN trong việc nâng cao trình độ chuyên môn; Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo.
VNU – Foundation có Chủ tịch Hội đồng Quản lý kiêm Giám đốc Quỹ là PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú. Các thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ, Ban cố vấn Hội đồng Quản lý Quỹ là những chuyên gia cao cấp, những nhà Lãnh đạo giàu kinh nghiệm của các Tập đoàn, công ty và những nhà giáo có nhiều tâm huyết, có tầm ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục tại ĐHQGHN. Đây là những điều kiện thuận lợi để giúp Ban điều hành của Quỹ thực hiện các mục đích, tôn chỉ của Quỹ.
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Bộ máy tổ chức của Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, Văn phòng và các phòng, ban chuyên môn, Các đơn vị và tổ chức trực thuộc Quỹ.
1. Hội đồng quản lý Quỹ
a) Hội đồng quản lý Quỹ là cơ quan quản lý của Quỹ, nhân danh Quỹ để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Quỹ; các thành viên phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích. Hội đồng quản lý Quỹ có tối thiểu 05 thành viên do sáng lập viên đề cử, trường hợp không có đề cử của sáng lập viên thành lập Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ nhiệm kỳ trước bầu ra Hội đồng quản lý Quỹ nhiệm kỳ tiếp theo và được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Nhiệm kỳ Hội đồng quản lý Quỹ không quá 05 năm. Hội đồng quản lý Quỹ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên.
b) Hội đồng quản lý Quỹ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
– Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ.
– Quyết định các giải pháp phát triển Quỹ; thông qua hợp đồng vay, mua, bán, góp vốn, tặng cho tài sản có giá trị từ 01 tỷ đồng Việt Nam trở lên.
– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; quyết định thành lập Ban Kiểm soát Quỹ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc Quỹ hoặc ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Quỹ trong trường hợp Giám đốc, Phó Giám đốc Quỹ là người do Quỹ thuê; quyết định người phụ trách công tác kế toán và người quản lý khác quy định tại Điều lệ Quỹ.
– Quyết định mức lương, chế độ, chính sách khác (nếu có) đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc, Phó Giám đốc, người phụ trách kế toán Quỹ và người làm việc tại Quỹ theo quy định tại Điều lệ Quỹ và theo quy định của pháp luật.
– Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng tài sản, tài chính Quỹ.
– Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý Quỹ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Quỹ.
– Quyết định thành lập pháp nhân trực thuộc Quỹ theo quy định của pháp luật; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện Quỹ theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi tắt là Nghị định số 93/2019/NĐ-CP).
– Đổi tên; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quỹ.
– Quyết định giải thể hoặc đề xuất những thay đổi về Giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có Quyết định công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận Hội đồng quản lý Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm xây dựng, ban hành: Quy định về quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, các định mức chi tiêu của Quỹ; quy định công tác khen thưởng, kỷ luật và giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Quỹ; quy định về thời gian làm việc, việc sử dụng lao động và sử dụng con dấu của Quỹ; quy định cụ thể việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý; quy định cụ thể việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Quỹ và Quy chế làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ; các quy định trong nội bộ Quỹ phù hợp với quy định của Điều lệ Quỹ và quy định của pháp luật.
– Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP và Điều lệ Quỹ.
c) Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ
– Cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ triệu tập và chủ trì. Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ mỗi năm họp 02 lần có thể họp bất thường theo yêu cầu của 3/5 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ. Cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ được coi là hợp lệ khi có hai phần ba (3/5) tổng số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ tham gia. Cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ có thể tổ chức theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
– Mỗi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ có một phiếu biểu quyết. Người chủ trì có thể xin ý kiến bằng văn bản các thành viên vắng mặt, ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt có giá trị như ý kiến của thành viên có mặt tại cuộc họp.
– Các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ được thông qua khi trên 1/2 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ biểu quyết tán thành.
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ
a) Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ là công dân Việt Nam được Hội đồng quản lý Quỹ bầu và là người đại diện theo pháp luật của Quỹ. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có thể kiêm Giám đốc Quỹ.
b) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
– Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ.
– Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng quản lý Quỹ hoặc để lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ.
– Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ.
– Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.
– Thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ ký các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.
– Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP và Điều lệ Quỹ.
c) Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ không quá 05 năm. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
d) Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ kiêm Giám đốc Quỹ thì phải ghi rõ trong các giấy tờ giao dịch của Quỹ.
e) Trường hợp vắng mặt thì Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ủy quyền bằng văn bản cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ Quỹ.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ
a) Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ bầu và có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ.
b) Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ điều hành các hoạt động của Quỹ theo sự phân công của Hội đồng quản lý Quỹ và thực hiện nhiệm vụ theo sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.
Ban Kiểm soát Quỹ
a) Ban Kiểm soát Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập theo nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ. Ban kiểm soát Quỹ có ít nhất 03 (ba) thành viên, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Ủy viên.
b) Ban Kiểm soát Quỹ hoạt động độc lập và có nhiệm vụ như sau:
– Kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo điều lệ và các quy định của pháp luật;
– Giải quyết đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức công dân gửi đến quỹ;
– Báo cáo, kiến nghị với Hội đồng quản lý Quỹ về kết quả kiểm tra, giám sát và tình hình tài chính của Quỹ.
Giám đốc Quỹ
a) Giám đốc Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm trong số thành viên Hội đồng hoặc thuê người khác làm Giám đốc Quỹ.
b) Giám đốc Quỹ là người điều hành công việc hằng ngày của Quỹ, chịu sự giám sát của Hội đồng quản lý Quỹ, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc Quỹ không quá 05 năm, có thể được bổ nhiệm lại.
c) Giám đốc Quỹ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
– Điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ, chấp hành các định mức chi tiêu của Quỹ theo đúng nghị quyết của Hội đồng quản lý, Điều lệ Quỹ và các quy định của pháp luật.
– Ban hành các văn bản thuộc trách nhiệm điều hành của Giám đốc và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
– Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của Quỹ với Hội đồng quản lý Quỹ và cơ quan có thẩm quyền.
– Chịu trách nhiệm quản lý tài sản của Quỹ theo Điều lệ quỹ và các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản.
– Đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm Phó Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
– Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ quỹ và quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.
Phụ trách kế toán của Quỹ
a) Phụ trách kế toán của Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Quỹ. Phụ trách kế toán của Quỹ có trách nhiệm giúp Giám đốc Quỹ tổ chức, thực hiện công tác kế toán, thống kê của Quỹ theo quy định của pháp luật.
b) Người phụ trách kế toán chịu trách nhiệm quyết toán khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Quỹ hoặc chuyển công tác khác.
c) Trong trường hợp phụ trách kế toán Qũy chưa đủ điều kiện để bổ nhiệm kế toán trưởng theo quy định của ĐHQGHN (là viên chức) thì vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, quyền lợi của phụ trách kế toán giống như kế toán trưởng.
Văn phòng và phòng, ban chuyên môn
Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận chuyên môn chuyên trách giúp thực hiện các hoạt động của Quỹ. Các bộ phận chuyên trách gồm: Văn phòng, các phòng nghiệp vụ, chuyên môn có nhiệm vụ giúp Giám đốc quỹ tổ chức triển khai các hoạt động của Quỹ.
Pháp nhân trực thuộc Quỹ
a) Quỹ có thể thành lập pháp nhân trực thuộc theo quy định của pháp luật chuyên ngành, hoạt động trong những lĩnh vực phù hợp với điều lệ quỹ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận mà pháp luật chuyên ngành đã quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục, trình tự, hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động (giấy phép hoạt động, giấy phép kinh doanh hoặc hình thức khác) thì quỹ quyết định thành lập pháp nhân theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
b) Nguồn vốn thành lập pháp nhân trực thuộc quỹ không bao gồm nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.